CHÚ BÉ LIÊN LẠC
Cứ tới 10 giờ chiếc xe màu vàng bóp còi “tin tin” cách chỗ nó khoảng 500 mét. Đôi tai nó rất thính, chỉ nghe tiếng còi xe là biết xe của chú nào. Hôm nay, tiếng còi này nhất định là xe chú Sang. Nó từ trong nhà chạy ra trước đường một tay cầm túi có thư từ và một tay ra dấu hiệu giống như khách đón xe. Nhưng với nó dấu hiệu là: “Chú ơi, tới nhà cháu rồi, chú dừng xe lại đưa thư báo cho cháu”. Chiếc xe chạy chập lại, rẻ xi-nhan qua phía nó đón.
“Hôm nay có hàng nữa đó cháu!” – Chú Sang lái xe cười trìu mến với tôi.
“Dạ, đồ nặng không chú?”. Nó vừa hỏi và đưa bao thư của bà con của xã chuyển đi nơi khác và chờ chú mở cửa sau giao đồ cùng túi thư báo – gửi tới địa chỉ xã nhà.
Xong rồi chú tạm biệt và tiếp tục chuyển thư từ đến xã khác. Ngày nào cũng vậy, nó có trách nhiệm đúng giờ giơ tay ra hiệu xe dừng để lấy báo. Nó thấy mình hơn những đứa trẻ khác, một chút tự hào, một chút cảm thấy yêu thích công việc đó. Mỗi lần nó làm như thế nó nghĩ người khác nhìn nó bằng ánh mắt ngưỡng mộ: “con nhà bà T giỏi thiệt! ” là nó sung sướng nghĩ bụng mỗi khi có người đi qua đường vào thời điểm đó. Một nỗi niềm tự hào to lớn của nó!
Tới trưa, Má đi làm về dặn là báo nào của ai là nó nhớ nó đi phát. Mở bì thư báo ra, nó thấy hôm nay có báo Phú Yên tổng cộng là 5 tờ, Tuổi trẻ 1 quyển, Măng non 10 quyển, báo Lao Động, rồi thư của chị T, ông B, anh C… đều nằm trong đầu của nó sẽ chuyển tới nơi nào. Bắt đầu nó lật mấy trang báo Măng Non ra coi truyện, tin học trò, hình ảnh mấy câu chuyện cười với hoạt họa thật dễ thương!
Chết! Nó la lên.
Thấy giờ quá rồi, nó lật đật sắp xếp thứ tự sẽ đưa chuyển báo và thư. Hôm nay con đường sẽ bắt đầu từ nhà đến Ủy ban xã trước, xong vào phường 2, lên xóm Huế, rồi xuống xóm giữa có Hợp tác xã, ra xóm Bến và vòng về nhà. Báo Phú Yên gửi cho chú Chủ tịch một tờ, chú Bí Thư một tờ, Văn thư một tờ. Báo Măng Non vì nó thích và đọc chưa xong nên chưa có phát, với lại báo đó là của nhà trường, đi học thì sẽ cầm đi.
Trong bụng nó phấn chấn mỗi lần có báo Măng Non về nên luôn tìm cách sắp xếp lịch chuyển phát sau cùng.
Xong rồi xếp thứ tự vị trí nhà xa gần những lá thư. Sáng nay, nó làm biếng nên phát báo và thư mấy nhà gần trước, chiều phát sau. Thế là, nó trèo lên xe đạp đòn dông lên đường làm chú bé liên lạc. Nó đạp xe vù vù rất nhanh, mặc dù chân chống đất không tới, nhưng lên xe chạy ghê lắm.
Kít!
Nó đưa chân sau thắng bằng thắng sau của chiếc xe đòn dông. Xe chẳng có thắng trước, nhưng bản tính của nó thích đạp cho thật nhanh rồi thắng gấp một cách điệu nghệ. Chính vì zậy mà bị ông Ba la cái tội làm đứt dây thắng hoài.
Trước mắt nó là Ủy ban xã. Mọi người trong xã đều biết nó con ai đang làm cái gì. Gặp nó là mấy chú hỏi:
“Hôm nay có báo gì? Có thư từ liên quan gì không?”
Nó nói thư từ ở Huyện gửi lên cho chú A, rồi công văn khẩn, thư cho cô C… Nó thuộc làu làu trong trí nhớ.
Phân phát báo xong là lên xe đi đưa những bức thư gần nhà. Đến nhà ai là nó nhớ lời Má dặn, cháu chào ông, chào bà, cho cháu hỏi có phải nhà ông A, ông B. Nhà mình có thư, hoặc nhà mình có ai tên D không ạ. Nếu lộn nhà thì xin lỗi và hỏi thăm địa chỉ nhà đó ở đâu. Liên tục như vậy những tên nhà trong xã nó đều quá rành. Chỉ đọc họ tên và địa chỉ trên bì thư là đón là biết ở đâu.
Còn trường hợp khó quá thì hỏi Má, Má không biết nữa thì hỏi người quen, chủ yếu là mấy anh chị mới lớn có thư nên khó biết. Chứ người lớn thì nó rành cả. Ai cũng nể trí nhớ của nó hết. Nên nó lúc nào cũng tự hào mình giỏi.
Nó lớn lên và má cũng không làm thư báo nữa vì nó cũng đã đi học xa, má bận nhiều việc nên kí ức về chú bé liên lạc luôn còn đọng trong tâm trí của nó mãi mãi.
Câu chuyện của Leonard thật bình dị, trong đó thấy cái nét tinh nghịch của một chú bé. Thích nhất là cách chạy xe của bạn ấy đó. Giống mình hồi nhỏ. hihi